Những ngôi sao lẻ loi trong "chiếc đuôi" thiên hà



Bức ảnh trên kết hợp dữ liệu từ bước sóng tia X của đài quan sát Chandra và bước sóng khả kiến của kính thiên văn SOAR (Chile). Trong bức ảnh chúng ta có thể nhận ra một chiếc "đuôi" khí gas khổng lồ kéo dài trên 200.000 NAS đằng sau thiên hà mang tên ESO 137-001.



Chiếc "đuôi" vũ trụ này chứa nhiều cụm sao xanh rất trẻ, nhiều vật chất sáng màu và cả những vùng hình thành sao mãnh liệt. Chiếc "đuôi" bị tách ra khỏi ESO 137-001 khi nó hướng về trung tâm Abell 3627, một quần thiên hà khổng lồ. Dưới bước sóng tia X (xanh lam), đám khí nóng tới hàng triệu độ hiện ra; trong khi đó những tinh vân lạnh hơn sẽ được phát hiện dưới dải tần bức xạ H-alpha của phân tử hiđro (đỏ). Người ta đếm được tới 29 vùng mà tại đó đám hơi hiđro bị ion hóa phát ra ánh sáng dưới dải tần H-alpha, chứng tỏ tại những vùng đó tồn tại nhiều sao mới được hình thành. Các nhà nghiên cứu cho rằng những vùng hình thành sao này mới chỉ được khoảng 10 triệu năm tuổi.

Năm hình ảnh của một quasar


Điều gì đang xảy ra tại trung tâm của quần thiên hà này? Chỉ cần nhìn thoáng qua ta đã thấy được một vài thiên hà bị kéo dài ra và có tới những 5 quasar cực sáng tồn tại ở đó. Trên thực tế quần thiên hà này đóng vai trò như một thấu kính hấp dẫn khổng lồ bóp méo tất cả ánh sáng truyền tới. Những đối tượng rất sáng đó không nằm trong quần thiên hà mà nằm ở xa, xa hơn nhiều...Năm thiên thể sáng trắng vây xung quanh tâm của quần thiên hà thực chất chỉ là ảnh ảo của một quasar duy nhất!
Nhìn vào bức ảnh chi tiết của KTV vũ trụ Hubble, người xem tưởng như những thiên hà thành phần của quần này đang bao vây lấy những quasar xa lạ. Nhưng không phải vậy. Các bạn không thể ngờ được rằng có rất nhiều thiên hà ở hình trên được lặp lại tới 3-4 lần do ảnh hưởng của hiện tượng thấu kính hấp dẫn. Hãy coi bức ảnh trên như một cái mặt đồng hồ với tâm đồng hồ là trung tâm của quần thiên hà (có màu vàng cam). Như vậy hãy chú ý các vị trí: 2h, 4h, 10h. Bạn thấy gì nào? Có 3 thiên hà với hình dáng và màu sắc khá giống nhau ở đó (vị trí 10h nhìn thấy thiên hà này hơi mờ hơn so với vị trí 2h và 4h). Các thiên hà này có màu vàng nhạt và bị kéo dài ra một cách đáng ngờ phải không? Đó không phải là 3 thiên hà với 3 vị trí khác nhau mà chỉ là ảnh của 1 thiên hà duy nhất phía sau quần thiên hà "quái lạ" này! Còn rất nhiều thiên hà khác nữa mà bạn có thể tìm thấy ảnh của chúng rải rác trên hình dưới dạng những đốm xanh ngọc.

Trong cataloge chuyên ngành, quần thiên hà này có tên SDSS J1004+4112 và nằm cách chúng ta khoảng 7 tỉ NAS về phía chòm sao Leo Minor. Quần thiên hà này là một minh chứng rõ ràng nhất cho thuyết tương đối của Anhxtanh: ánh sáng có thể bị bẻ cong bởi lực hấp dẫn.